Xây dựng nông thôn mới tại xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La
Lượt xem: 7

Về công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) tại xã trong thời gian qua đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Sau hơn 9 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ngày 09/01/2020, xã Vân Hồ được công nhận đạt Chuẩn nông thôn mới năm 2020 với 19/19 tiêu chí đạt chuẩn (100% đường giao thông đến các bản được bê tông hóa; trên 95% các hộ dân trên địa bàn được sử dụng điện thường xuyên; 80% diện tích đất sản xuất được đảm bảo đủ nước tưới chủ động; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt trên 36,5 triệu đồng/năm; 100% số người trong độ tuổi lao động có việc làm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,17%... Tuy nhiên, năm 2021 qua rà soát theo Bộ tiêu chí Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, xã Vân Hồ chỉ đạt 12/19 tiêu chí. Còn 7 tiêu chí chưa đạt đó là: Quy hoạch, giao thông, có sở vật chất văn hóa, thu nhập, hình thức tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm.

Kết thúc năm 2023 bước sang đầu năm 2024, cả hệ thống chính trị xã Vân Hồ đang nỗ lực để phấn đấu đạt chỉ tiêu quy hoạch xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025. Cụ thể:

Thứ nhất, thường xuyên chỉ đạo triển khai, thực hiện duy trì các chỉ tiêu đã đạt được, đồng thời kiểm tra, rà soát các tiêu chí bị tụt so với bộ tiêu chí NTM và có phương hướng, biện pháp đưa ra các giải pháp giữ vững xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, vận động nhân dân, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tham gia thực hiện xây dựng nông thôn mới theo đúng phương châm “Nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”; kết hợp các nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước với huy động nội lực trong nhân dân, huy động xã hội hóa để triển khai phù hợp với điều kiện của xã. Các tuyến đường giao thông nông thôn được quan tâm đầu tư tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân kinh doanh, sản xuất (đường trục xã đã được bê tông hóa và rải nhựa 8,035 km, đạt 100%; đường trục bản, tiểu khu và đường liên bản được bê tông hóa 24,45 km, đạt 80%; các tuyến đường ngõ, xóm đã được cứng hóa 9,47 km, đạt 70%; đặc biệt đường nội đồng được bê tông hoá 15,04 km, đạt 36,54%). Kết quả đến tháng 12/2023, xã đã đạt được 16/19 tiêu chí xã nông thôn mới theo Quyết định số 1002/QĐ-UBND ngày 06/6/2022 của UBND tỉnh Sơn La.

Tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trồng cây ăn quả gắn với thị trường tiêu thụ và các Nhà máy chế biến trên địa bàn; tuyên truyền triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đảm bảo hiệu quả. Hiện nay xã Vân Hồ có 06 sản phẩm OCOP (03 sản phẩm chè; 02 sản phẩm mật ong; 01 sản phẩm cam meha) thực hiện đầu tư thâm canh tăng vụ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; áp dụng giống mới, từng bước hình thành và xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp. 

Tập trung thu hút các nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đến đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; trên địa bàn xã có 02 Nhà máy chế biến nông sản gắn với chế biến (Công ty TNHH ICFOOD SONLA và Công ty Chè Nhật SATOEN); 12 hợp tác xã  và 219 hộ sản xuất kinh doanh, 41 công ty doanh nghiệp đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của xã.

Tập trung chỉ đạo phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng kết hợp với bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, điển hình là phát triển du lịch công đồng tại bản Hua Tạt (Homestay A Chu) với 06 hộ dân tham gia, thu hút trên 10.000 lượt khách tham quan. Xây dựng 01 chợ đêm kết hợp phát triển du lịch cộng đồng tại bản Chiềng Đi 1 với 10 hộ có gian hàng và 07 hộ có homestay đón khách nghỉ dưỡng, tham quan, giao lưu văn hóa, văn nghệ, với gần 2.000 lượt khách/năm, tạo thu nhập ổn định cho các hộ dân tham gia chợ, nâng cao đời sống của nhân dân.

Các mô hình phát triển kinh tế tiếp tục được triển khai thực hiện, như mô hình trồng rau phục vụ cho Công ty ICFOOD Sơn La, điển hình như Tổ hợp tác ở bản Bó Nhàng 2 và bản Suối Lìn với 03 nhà lưới đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP; HTX Nông nghiệp A Cao chuyên trồng và tiêu thụ các loại quả có giá trị kinh tế cao như: Cam canh, hồng ròn, dâu tây,...; mô hình xây dựng du lịch cộng đồng ở bản Hua Tạt; mô hình trồng khoai sọ mán ở bản Suối Lìn; mô hình chợ đêm gắn với du lịch tại bản Chiềng Đi 1. Tập trung thu hút các tổ chức, cá nhân vào đầu tư và phát triển các mô hình nông nghiệp và thành lập các Hợp tác xã trên địa bàn, giải quyết đầu ra sản phẩm nông nghiệp cho bà con …. Tạo điều kiện thuận lợi để các hộ dân chăn nuôi bò sữa ở tiểu khu Sao Đỏ 1, tiểu khu Sao Đỏ 2 tăng đàn bò, nâng cao chất lượng và sản lượng sữa, giữ ổn định nguồn thu nhập từ sữa (đàn bò sữa hiện có 2.000 con, sản lượng sữa tươi ước đạt 5.000 tấn).

Thứ hai, văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ; đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được nâng lên; chất lượng giáo dục và đào tạo có nhiều tiến bộ, quy mô trường, lớp tiếp tục được củng cố và mở rộng, trang thiết bị được quan tâm đầu tư (toàn xã hiện có 03 đơn vị trường học với 159 cán bộ, giáo viên, nhân viên với tổng 110 lớp, 791 trẻ, 1.836 học sinh. Tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi đi học mẫu giáo đạt 94,9%; số trẻ từ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; số học sinh hết lớp 5 vào lớp 6 đạt 96%), tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp hàng năm đạt 100%; duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xoá mù chữ, kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đạt mức độ 2, phổ cập giáo dục trung học cơ sở và xóa mù chữ đạt mức độ 1, đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; hệ thống các đơn vị trường học được sắp xếp tinh gọn, hiệu quả; mạng lưới y tế bản được củng cố, phát triển; chương trình y tế Quốc gia được thực hiện có hiệu quả; phong trào“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” tiếp tục phát triển sâu rộng, năm 2023, có 13/13 bản, tiểu khu đạt danh hiệu “Bản văn hóa”, “Tiểu khu văn hóa”; có 1.792 hộ/2.354 hộ, chiếm 76,13% hộ gia đình đạt gia đình văn hóa. Các chính sách an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo được triển khai đồng bộ, kịp thời, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 4,58%, hộ cận nghèo còn 2,29%; công tác phòng chống và kiểm soát ma túy có những chuyển biến tích cực, từng bước giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội còn bức xúc.

Đặc biệt liên quan đến hoạt động giáo dục đào tạo, trong các năm học 2021-2022 và 2022-2023, UBND xã và các trường học đóng trên địa bàn đã có các hoạt động kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng để chăm lo cơ sở vật chất và đảm bảo điều kiện sinh hoạt và học tập cho các em học sinh gặp khó khăn về đường xá và phương tiện đi lại (khi xã không còn đủ tiêu chuẩn để học sinh hưởng chế độ bán trú). 

Năm học 2021-2022 Trường THCS Vân Hồ được sự nhất trí của Thường trực huyện ủy, HĐND, UBND huyện Vân Hồ đã chuyển từ bản Hang Trùng 2 xuống địa điểm mới thuộc bản Suối Lìn, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La với 01 dãy nhà 10 phòng học do ngân hang BIDV tài trợ. Thời gian đầu chuyển xuống cơ sở mới rất khó khăn do thiếu phòng học và các phòng chức năng do đó nhà trường đã phải học 02 ca. Đến tháng 01/2022 nhà trường được tiếp nhận 01 dãy nhà 12 phòng học do Ngân hàng Nông Nghiệp và phát triển Nông thôn Việt Nam Agribank tài trợ nên đã cơ bản đủ phòng học, có phòng thiết bị, phòng tin học và phòng thư viện. 

Trường THCS Vân Hồ đóng trên địa bàn trung tâm xã Vân Hồ, tuy nhiên địa bàn dân cư rộng, gồm 13 bản, tiểu khu trong đó một số bản cách xa trường từ 07 đến 20 km (bản Pa Cốp, bản Chua Tai, bản Thông Cuông, bản Chiềng Đi…) với tổng số gần 50 học sinh nhưng các em không được hưởng chế độ ở bán trú, các em học sinh gặp khó khăn về đường xá và phương tiện đi lại: Đa số các em đi bộ, số ít em đi xe đạp và xe đạp điện, số ít các em được bố mẹ đưa đón còn nhiều em học sinh nhà quá xa lại không có phương tiện đi lại nên ở trọ gần trường nhưng điều kiện ăn, ở rất thiếu thốn. Một số em bố mẹ đi làm ăn xa hoặc bố mẹ ly hôn nên ở với ông bà thiếu sự quan tâm của bố mẹ. Chia sẻ với những khó khăn của các em học sinh ở các bản xa trường đầu tháng 01/2023 nhà trường đã được 01 số doanh nghiệp và cá nhân thuộc tỉnh Bình Dương trao tặng 03 phòng ở bán trú và 01 số thiết bị đun nấu, tuy nhiên nhà trường vẫn còn thiếu giường cho các em học sinh.

Thứ ba, An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; chủ động phòng chống âm mưu “diễn biến hòa bình”, các hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá Đảng và Nhà nước của các thể lực thù địch; phòng ngừa, kiểm soát và ngăn chặn kịp thời ngay từ cơ sở các loại tội phạm, không để xảy ra “điểm nóng” trên địa bàn; thực hiện có hiệu quả phong trào “toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, xây dựng “nhóm liên gia tự quản về an ninh trật tự” và cuộc vận động toàn dân tham gia chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự; nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của nhân dân.

Như vậy có thể thấy xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt của Xã, trong thực hiện nhiệm vụ này xã Vân Hồ đã luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Huyện uỷ, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân huyện Vân Hồ; sự phối hợp giúp đỡ của các ban xây dựng đảng, các phòng, ban, đơn vị của huyện; Đảng ủy xã luôn đoàn kết, nêu cao tinh thần trách nhiệm, kịp thời quán triệt, triển khai, cụ thể hoá các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên vào điều kiện thực tế của xã; thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo, phương pháp điều hành; xác định đúng một số nhiệm vụ trọng tâm để tập trung lãnh đạo, tạo được bước đột phá; Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân xã thực hiện tốt nhiệm vụ chỉ đạo phát triển kinh tế, gắn với giữ gìn an ninh trật tự, giải quyết tốt các vấn đề xã hội; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ xã. 

                                Đỗ Thị Minh Thu, Trường Chính trị tỉnh Sơn La

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập